Cứ vào tháng tám âm lịch
là mọi người lại háo hức đón Tết Trung Thu. Đây là cái Tết lớn thứ ba trong
năm. Bánh Trung Thu- món bánh được đặt tên theo tên ngày Tết- là món ăn đặc
trưng, quen thuộc không thể thiếu trong dịp này. Mặc dù, trong thời buổi kinh tế-
xã hội phát triển như hiện nay, người ta có thể tìm mua và thưởng thức món bánh
này vào bất kỳ ngày nào trong năm, nhưng có lẽ, Bánh Trung Thu chỉ ăn vào đúng
dịp Trung Thu là ngon nhất- đầy đủ hương vị nhất. Vì ý nghĩa đằng sau chiếc
bánh được ăn vào dịp này đã thêm vào trong nó một thứ hương vị ấm áp tên là
Tình thân.
Lấy ý tưởng từ hình ảnh
vầng trăng đêm rằm, người xưa đã tạo ra chiếc bánh tròn và gọi nó là bánh Nguyệt.
Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa. Tên chiếc bánh ra đời do
mọi người không biết từ bao giờ đã quen thuộc với nó- loại bánh không thể thiếu
mỗi khi đến Tết Trung Thu- thiếu Bánh Trung Thu thì Tết Trung Thu sẽ thiếu trọn
vẹn.
Bánh Trung Thu thường
có dạng hình tròn (đường kính khoảng 10cm), hay hình vuông (chiều dài cạnh khoảng
7-8cm), dày khoảng 4-5cm, lớp vỏ bánh mỏng (dày không quá 1cm). Ngoài ra, bánh Trung Thu còn có nhiều kiểu dáng khác như kiểu
lợn mẹ và đàn con, kiểu con cá...
Bánh Trung thu truyền
thống chia làm 2 loại: bánh dẻo và bánh nướng. Dù là loại nào thì Bánh Trung
Thu cũng có 2 phần: vỏ bánh và nhân bánh.
Bánh dẻo có màu trắng, đa số là nhân ngọt với
phần vỏ bánh được làm bằng bột nếp, phần nhân phổ biến là đậu xanh hạt sen. Bánh
ra lò sẽ có phần vỏ mịn, vị ngọt đậm, thơm dịu.
Bánh nướng có màu
vàng đều và hơi dầu. Vỏ bánh được làm bằng bột mì, nhân bánh có phần đa dạng hơn
so với bánh dẻo. Ngoài mứt
bí, hạt dưa, nhân bánh nướng còn có thêm thịt heo quay, gà quay, lạp xưởng, ... Bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng, phải chờ
ba ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới thấm ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon. Mặc dù
người ta quảng cáo bánh có thể bảo quản lâu đến một tháng nhưng trong điều kiện
khí hậu bình thường thì bánh chỉ nên ăn trong vòng hai tuần là tối đa nếu không
thì ngửi khét dầu và làm sình bụng.
Dù là nhân gì đi nữa thì
nhân bánh không thể thiếu lồng đỏ trứng muối. Đây là một nét đặc trưng của Bánh
Trung Thu. Vị mặn, bùi bùi, béo
béo của lồng đỏ trứng muối là điểm nhấn trong vị bánh, khiến người ta không bị
ngán và tạo cho Bánh Trung Thu một vị ngon riêng không lẫn vào đâu được.
Ngày nay, bên cạnh 2
loại Bánh Trung Thu truyền thống đã kể trên, người ta còn sáng tạo ra nhiều loại
Bánh Trung Thu khác. Người tiêu dùng cũng được thưởng thức và trải nghiệm các
loại hương vị độc đáo và mới lạ: Bánh Trung Thu rau câu, Bánh Trung Thu kem lạnh,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét